Tác dụng của hành tây, cách bảo quản và các món ngon từ hành tây

4.9/5 - (1616 bình chọn)

Hành tây là loại thực phẩm quen thuộc và được sử dụng để chế biến ra nhiều món xào, món súp và các món nước hấp dẫn khác. Vậy hãy cùng Mẹo vặt Gia đình tìm hiểu những tác dụng của hành tây đối với sức khỏe và cách bảo quản loại củ này ra sao qua mục Mẹo vào bếp để giúp cho hương vị món ăn trở nên đặc biệt hơn nhé!

1. Nguồn gốc và đặc điểm của củ hành tây

Nguồn gốc của củ hành tây

Hành tây có tên khoa học là Allium cepa, có họ hàng gần với hành lá, tỏi, boa rô và hẹ.

Hành tây có nguồn gốc từ Iran cùng với một số nước thuộc tiểu lục địa ở phía Tây Ấn Độ và Trung Á. Tuy nhiên, các ghi chép lịch sử cho hay nguồn gốc hành tây đến nay cũng chưa rõ, vì giống hành tây hoang dã đã bị tuyệt chủng và việc sử dụng hành tây trải dài khắp các nước thuộc khu vực Tây và Đông Á gây khó khăn trong việc xác định nguồn gốc của hành tây.

Chẳng hạn, người ta phát hiện dấu vết hành tây đã xuất hiện ở các khu vực sinh sống trong thời kỳ đồ đồng ở Trung Quốc từ 5000 năm trước Công nguyên. Loại củ này không chỉ mang lại hương vị đặc trưng mà còn có thời gian bảo quản lâu dài và vận chuyển tốt vào thời kì ấy.

Thậm chí người Ai Cập cổ đại còn tôn sùng củ hành tây, vì hành tây có dạng hình cầu và các vòng tròn đồng tâm tượng trưng cho cuộc sống vĩnh cửu. Có lẽ vì thế, người ta phát hiện dấu vết hành tây được tìm thấy trong hốc mắt của vị vua Ramesses IV trong lăng mộ.

Nguồn gốc của củ hành tây

Đặc điểm của củ hành tây

Cây hành tây đã được nhân giống chọn lọc và trồng trọt cách đây ít nhất 7000 năm. Cây hành tây thuộc cây thân thảo, loại cây trồng 2 năm/vụ nhưng giờ đây nó được trồng gần như quanh năm.

Thân cây phát triển từ 15 – 45cm. Lá có màu xanh vàng cho đến xanh đậm, mọc xen kẽ với nhau tạo thành đám dẹt hình quạt. Hơn nữa, lá được mọc ra từ thân và phần rễ chùm sẽ hấp thụ các dinh dưỡng từ đất để nuôi phần thân phình to ra, phát triển thành củ hành tây.

Củ hành tây có dạng hình cầu, hình bầu dục hoặc hình bầu dục hơi dài một chút, và cũng có loại màu vàng, màu tím hoặc màu trắng. Hoa có màu trắng, cuống dài, hợp thành tán giả nằm ở đầu một cánh hoa hình ống tròn và phình ở giữa. Quả hạch, có màng và phía trên có núm nhụy. Hạt có màu đen nhạt, ráp.

Cứ vào mùa thu, lá hành tây chết và tạo thành lớp vảy bên ngoài củ hành tây. Đây là thời điểm để người dân đi thu hoạch vì nếu để tiếp trong đất qua mùa đông thì chúng sẽ mọc mầm và phát triển thành cây hành tây mới.

Đặc điểm của củ hành tây

2. Giá trị dinh dưỡng của củ hành tây

Hành tây góp phần tạo hương vị cho món ăn và cung cấp hàm lượng calo ở mức tương đối. Đây là loại củ được sử dụng nhiều trong ứng dụng y học vì chứa nhiều chất dinh dưỡng như chất xơ, vitamin A, B, C, các khoáng chất (canxi, magie, kali, natri, phốt pho, selen) và những hợp chất hữu cơ như quercetin và lưu huỳnh.

Cứ 100g củ hành tây sống gồm các chất dinh dưỡng như sau:

  • Năng lượng: 40kcal
  • Nước: 89.11g
  • Carbohydrate: 9.34g (trong đó có 4.24g đường và 1.7g chất xơ)
  • Chất đạm: 1.1g
  • Vitamin C: 7.4mg
  • Vitamin B1: 4% DV (giá trị khuyến dùng mỗi ngày)
  • Vitamin B2: 2% DV
  • Vitamin B3: 1% DV
  • Vitamin B5: 2% DV
  • Vitamin B6: 9% DV
  • Vitamin B9: 5% DV
  • Nhiều khoáng chất: 23mg canxi, 29mg phốt pho, 146mg kali, 10mg magie,…

Giá trị dinh dưỡng củ hành tây

3. Các loại hành tây

Hành tây vỏ vàng (yellow onion): Đặc trưng bởi hương vị nồng và chứa nhiều hàm lượng đường, nên phù hợp cho tất cả các món ăn và phương pháp chế biến.

Hành tây vỏ vàng (yellow onion)

Hành tây ngọt (sweet onion): Có hình dạng giống hành tây vỏ vàng nhưng lớp hành có độ dày hơn và màu ngả sang sắc cam, phù hợp cho các món nướng, chiên.

Hành tây ngọt (sweet onion)

Hành tây vỏ trắng (white onion): Loại củ chứa nhiều nước nên có độ giòn sần sật. Vị ngọt vừa phải và thường dùng trong ẩm thực Mexico như món Chilaquiles, Tacos,…

Hành tây vỏ trắng (white onion)

Hành tây tím (red onion): Thường có hương vị nhẹ, không quá nồng nên được dùng cho các món gỏi trộn như salad, bánh hamburger, bánh sandwich.

Hành tây tím (red onion)

Hành tây hương (shallot): Có hình trông giống tép tỏi nhưng có lớp vỏ màu vàng nâu và hương thơm đặc trưng, vị ngọt nhẹ. Loại hành này thường dùng cho món trứng, làm hành phi, làm nước chấm và dùng để trang trí món ăn.

Hành tây hương (shallot)

4. Tác dụng của hành tây với sức khỏe

Cùng Mẹo vặt Gia đình điểm nhanh một số công dụng nổi bật mà hành tây mang lại cho sức khỏe như sau:

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Nhờ chứa các chất chống oxy hóa và hợp chất chống viêm, hành tây có khả năng cải thiện sức khỏe tim mạch cũng như giảm bớt các nguy cơ liên quan đến bệnh tim như:

  • Làm giảm huyết áp cao nhờ đặc tính chống viêm mạnh của hợp chất chống oxy hóa flavonoid quercetin. Chẳng hạn, theo kết quả nghiên cứu tiến hành trên 70 người thừa cân bị huyết áp cao, cho thấy: huyết áp tâm thu 3 – 6mmHg giảm đáng kể khi sử dụng 162mg chiết xuất hành tây (giàu quercetin) mỗi ngày so với giả dược.
  • Làm giảm cholesterol tổng thể và cholesterol LDL xấu như trong một nghiên cứu trên 54 phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) khi tiêu thụ khoảng 40 – 50g hành tây sống (đối với người thừa cân) và khoảng 50 – 60g hành tây sống (với người béo phì).
  • Làm giảm cholesterol triglycerides trung tính đáng kể tránh hình thành máu đông vón cục, gây hại cho bệnh tim như theo kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu trên động vật.

Hành tây cải thiện sức khỏe tim mạch

Nhiều hợp chất chống oxy hóa, ngăn ngừa bệnh ung thư

Chất chống oxy hóa là những hợp chất có khả năng làm chậm quá trình oxy hóa – nguyên nhân gây tổn thương tế bào, từ đó giảm bớt nguy cơ mắc bệnh như ung thư, bệnh tim và tiểu đường. Hành tây là nguồn thực phẩm cung cấp chất chống oxy hóa tuyệt vời, có đến 25 loại chất chống oxy hóa flavonoid khác nhau.

Chẳng hạn, hành tây tím có chứa anthocyanins, là sắc tố thực vật mạnh mẽ phòng chống bệnh tim, bệnh tiểu đường và một số bệnh ung thư.

Theo kết quả phân tích từ 16 cuộc nghiên cứu trên 13.333 người cho thấy: việc dùng nhiều hành tây làm giảm đến 15% nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng so với người ít dùng. Ngoài ra, theo kết quả đánh giá khác từ 26 cuộc nghiên cứu chứng minh thêm: dùng hành tây giúp giảm nguy cơ ung thư dạ dày đến 22%.

Hành tây chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa, ngăn ngừa bệnh ung thư

Thậm chí, hành tây còn cung cấp hợp chất có chứa lưu huỳnh như onionin A đã được chứng minh có khả năng làm giảm sự phát triển của khối ulàm chậm sự phát triển, lây lan của ung thư buồng trứng và ung thư phổi.

Bên cạnh đó, hành tây cũng chứa fisetinquercetin là hai chất chống oxy hóa flavonoid góp phần ức chế sự phát triển của khối u.

Kiểm soát lượng đường trong máu

Hành tây chứa nhiều hợp chất có lợi trong việc kiểm soát lượng đường trong máu cao, nhất là đối với người mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường:

Quercetin và các hợp chất lưu huỳnh được xem là hợp chất có tác dụng chống bệnh đái tháo đường khi nhắc đến hành tây. Chẳng hạn, quercetin có thể tương tác với các tế bào ở cơ xương, mô mỡ, ruột non, tuyến tụy và gan, từ đó hỗ trợ kiểm soát hàm lượng đường trong máu.

Hành tây kiểm soát lượng đường trong máu

Cải thiện mật độ xương, giúp xương chắc khỏe

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc tiêu thụ hành tây dưới nhiều hình thức khác nhau đều có thể cải thiện mật độ khoáng chất của xương, giúp xương chắc khỏe mỗi ngày:

  • Tiêu thụ 100ml nước ép hành tây trên 24 người phụ nữ độ tuổi trung niên và sau mãn kinh, trong vòng 8 tuần, kết quả cho thấy: mật độ xương được cải thiện.
  • Ăn hành tây ít nhất 1 lần/ngày có mật độ xương lớn hơn 5% so với những người ăn hành tây 1 lần/tháng là kết quả từ cuộc nghiên cứu được thực hiện trên 507 phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh. Thậm chí, người ta còn thấy rằng: những người thường xuyên ăn hành tây giảm thiểu nguy cơ gãy xương hông đến 20% so với những người không ăn hành tây bao giờ.

Ngoài ra, hành tây còn làm giảm stress oxy hóa, làm tăng khả năng chống oxy hóa, từ đó phòng chống bệnh loãng xương và tăng cường mật độ xương cho cơ thể.

Hành tây cải thiện mật độ xương, giúp xương chắc khỏe

Có đặc tính kháng khuẩn mạnh

Hành tây có đặc tính kháng khuẩn mạnh, làm ức chế sự phát triển của nhiều vi khuẩn có hại như E. coli, S.aureus, Pseudomonas aeruginosa, Bacillus cereusVibrio cholera.

Nổi bật nhất là hợp chất quercetin (chiết xuất từ hành tây) được chứng minh đã ức chế thành công sự phát triển của 2 loại vi khuẩn là Helicobacter pylori (H. pylori) gây ra bệnh loét dạ dày và Staphylococcus aureus kháng Methicillin (MRSA) gây nhiễm trùng ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể.

Hơn nữa, trong một nghiên cứu khác cho thấy thêm: chất quercetin phá hủy được thành tế bào và màng của vi khuẩn E.coli và S.aureus.

Hành tây có đặc tính kháng khuẩn mạnh

Tốt cho hệ tiêu hóa

Nhờ chứa nhiều chất xơ và prebiotics, hành tây trở thành thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe cho hệ tiêu hóa cũng như cải thiện sự cân bằng số lượng vi khuẩn có lợi trong ruột và nâng cao sức khỏe của hệ miễn dịch.

Cụ thể, prebiotics được xem là chất xơ khó tiêu hóa và là nguồn thức ăn cho vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Khi vi khuẩn có lợi ăn prebiotics, chúng sẽ tạo ra các axit béo chuỗi ngắn (gồm axetat, butyratepropionate), giúp tăng cường sức khỏe đường ruột và hệ miễn dịch, đồng thời cũng giảm viêm và cải thiện hoạt động tiêu hóa.

Không những thế, hành tây còn giàu luôn cả prebiotics inulin và fructooligosaccharides, góp phần làm tăng số lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột.

Tốt cho hệ tiêu hóa

Hỗ trợ điều trị rụng tóc, mang lại mái tóc chắc khỏe

Nhờ chứa nhiều hợp chất lưu huỳnh, hành tây có khả năng hỗ trợ điều trị rụng tóc và một số vấn đề liên quan đến mái tóc chắc khỏe như gàu, tóc bạc, độ bóng sáng của tóc.

Lưu huỳnh là một trong những thành phần của protein, cần thiết cho sự phát triển của mái tóc chắc khỏe. Điều này nghĩa là khi ăn hành tây sẽ giúp cho mái tóc được bổ sung thêm lưu huỳnh, giảm bớt tình trạng rụng tóc và thúc đẩy tóc phát triển. Hơn nữa, lưu huỳnh cũng thúc đẩy việc sản xuất collagen làm cho tế bào da đầu khỏe mạnh và là cơ sở cho tóc phát triển.

Hành tây còn thúc đẩy quá trình lưu thông máu, tạo điều kiện cho nang tóc chắc khỏe và góp phần cải thiện sự phát triển của tóc.

Hành tây hỗ trợ điều trị rụng tóc, mang lại mái tóc chắc khỏe

5. Lưu ý khi sử dụng hành tây

Bên cạnh những lợi ích tốt cho sức khỏe, hành tây cũng gây ra một số tác dụng phụ nên bạn cần lưu ý khi sử dụng loại hành này như sau:

Cân nhắc thời điểm dùng hành tây

Ăn hành tây có thể làm cho cơ thể bạn, tuyến mồ hôi và thường thấy nhất là hơi thở có mùi hành sau khi ăn. Vì hành tây tạo ra hợp chất sulfuric, khi được chuyển hóa nó sẽ xuất hiện trong máu và máu lại được luân chuyển đều khắp cơ thể. Đó là lí do vì sao bạn ngửi thấy mùi hành trên cơ thể, nhất là hơi thở sau khi ăn hành tây.

Để làm giảm mùi hành tây sau khi ăn, bạn có thể ăn tráng miệng bằng dứa (thơm) hoặc cà rốt luộc làm giảm ảnh hưởng của hợp chất sulfuric gây mùi.

Hành tây cân nhắc thời điểm dùng hành tây

Tránh dùng hành tây với người bị hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích liên quan đến sự hoạt động của ruột già và trở thành nguyên nhân gây ra triệu chứng đầy hơi, tiêu chảy, táo bón và chuột rút. Bệnh lý này thường gặp ở nữ giới (độ tuổi dưới 45) hơn so với nam giới.

Việc ăn hành tây có thể làm cho các triệu chứng của bệnh lý này trở nên trầm trọng hơn theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Gia đình và Chăm sóc Ban đầu vào tháng 10/2018.

Không dùng cho người bị trào ngược axit (GERD)

Trào ngược axit thường gây ra ợ chua và tạo cảm giác nóng rát ở ngực, đau cổ họng và có mùi vị của dịch dạ dày ở trong khoang miệng. Hành tây là loại thực phẩm sẽ làm cho tỷ lệ ợ chua của bạn tăng lên nhiều lần và không sử dụng hành tây trong thực đơn của những người bị GERD.

Không dùng hành tây cho người bị trào ngược axit (GERD)

6. Cách bảo quản hành tây

Theo Hiệp hội Hành tây Quốc gia (NOA) khuyên chúng ta nên bảo quản hành tây ở những nơi thoáng mát, khô ráo và hạn chế tiếp xúc với nhiều ánh sáng mặt trời càng tốt. Vì nếu nhiệt độ hay độ ẩm quá cao, sẽ khiến hành tây có điều kiện nảy mầm hoặc thối rửa do chúng dễ dàng hút ẩm.

Tốt nhất nên bảo quản hành tây ở nhiệt độ 4 – 10 độ C để duy trì hàm lượng dinh dưỡng và đặc tính vốn có của loại thực phẩm này. Đồng thời, nơi bảo quản cần được thông gió để ngăn tình trạng nấm mốc phát triển và tránh ánh sáng mặt trời giúp cho củ hành tây tươi và không bị khô héo quá mức.

Cụ thể:

  • Với hành tây đã lột vỏ: Nên bảo quản trong hộp thực phẩm kín, đặt vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 4 độ C để tránh nhiễm khuẩn. Thời gian bảo quản được 10 – 14 ngày.
  • Với hành tây đã cắt, thái lựu: Nên bảo quản trong màng bọc thực phẩm hoặc túi zip, đặt vào ngăn mát tủ lạnh với thời gian sử dụng lên đến 10 ngày, hoặc ngăn đá tủ lạnh với thời gian sử dụng 3 – 6 tháng.
  • Với hành tây nấu chín: Nên bảo quản trong hộp thực phẩm kín hoặc túi zip, đặt vào ngăn mát tủ lạnh có thể sử dụng từ 3 – 5 ngày, và ngăn đá tủ lạnh bảo quản đến 3 tháng.
  • Với hành tây ngâm chua: Nên bảo quản trong lọ hoặc hộp thủy tinh, đặt vào ngăn mát tủ lạnh với thời gian sử dụng lên đến 6 tháng.

Cách bảo quản hành tây

7. Các món ăn ngon từ hành tây

Bò xào hành tây

Thịt bò là một món ăn bổ dưỡng kết hợp cùng với hành tây giòn ngọt sẽ là một món ăn dinh dưỡng, chỉ với công thức đơn giản, nguyên liệu dễ thực hiện.

Bò xào hành tây

Snack hành tây

Snack hành tây sẽ là một món ăn lạ miệng, với hành tây ngọt áo lớp bột chiên giòn rụm. Chắc chắn sẽ là món ăn vặt hấp dẫn khi buồn miệng đấy!

Snack hành tây

Gỏi hành tây

Hành tây là một nguyên liệu phổ biến sử dụng trong các món gỏi trộn giúp làm tăng thêm hương vị thơm ngon. Hành tây giòn ngọt, hòa quyện cùng tai heo, hải sản,…nước chấm chua ngọt cực kì kích thích vị giác. Bạn hãy cùng vào bếp chiêu đãi ngay cho gia đình món ăn ngon này nhé!

Gỏi hành tây

Nước ép hành tây

Sử dụng nước ép hành tây sẽ giúp dưỡng tóc, với hàm lượng chất dinh dưỡng giúp sức khỏe tốt hơn. Chỉ cần vài bước đơn giản bạn đã có ngay món nước ép hành tây vô cùng tốt cho sức khỏe gia đình.

Nước ép hành tây

Như vậy, Mẹo vặt Gia đình đã giúp bạn hiểu rõ hơn về những tác dụng của hành tây đối với sức khỏe và cách bảo quản hành tây ra sao rồi đấy! Chúc bạn có nhiều món ăn ngon cùng hành tây để có sức khỏe tốt.

*Tổng hợp và tham khảo thông tin từ nhiều nguồn như WikipediaHealthline.

4.9/5 - (1616 bình chọn)

Bài viết liên quan