Từ A đến Z các mẹo bảo quản thực phẩm sống và chín trong tủ lạnh
Theo thói quen của nhiều người thì tất cả các loại thực phẩm dù đã chế biến hay tươi sống đều bảo quản được trong tủ lạnh và có thể sử dụng bất cứ khi nào cần. Nhưng ít ai biết được về thời gian bảo quản của các loại thực phẩm trong tủ lạnh bao lâu là an toàn, cùng tham khảo ngay sau đây.
Cách bảo quản rau củ trong tủ lạnh
Rau củ không cần phải rửa sạch trước khi cho vào tủ lạnh. Vì nếu rửa sạch, sẽ làm tăng độ ẩm của rau củ, khiến chúng dễ đổi màu và dần mất chất dinh dưỡng. Thay vào đó, chỉ nên cắt, gọt bớt phần già úa và bị sâu. Sau đó, phân loại rau củ rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh.
Một số loại rau củ thông dụng và thời gian bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh:
– Măng tây, bắp cải: bảo quản trong vòng 2 – 3 ngày.
– Các loại nấm (cho vào túi giấy): bảo quản trong vòng 3 ngày.
– Rau xà lách: bảo quản trong vòng 10 ngày.
– Dưa chuột, ớt Đà Lạt (ớt chuông): bảo quản trong vòng 1 tuần.
– Gừng: bảo quản trong vòng 1 tháng.
– Cần tây, bắp cải, rau mùi: bảo quản trong vòng 2 tuần.
– Cà rốt: bảo quản trong vòng 3 tuần.
Lưu ý, các loại củ quả sau không cần bảo quản trong tủ lạnh vì chúng có thể giữ được độ tươi ngon ở nhiệt độ thường: khoai tây (10 ngày), hành tây (1 tháng), tỏi (2 tháng), bí đỏ (3 tháng).
Cách bảo quản trái cây trong tủ lạnh
Đối với các loại trái cây, nên bảo quản tại ngăn mát của tủ lạnh để bảo quản trái cây được tươi lâu.
Lưu ý, không rửa trái cây trước khi cho vào tủ lạnh vì sẽ làm mất đi lớp bảo vệ tự nhiên của trái cây, khiến chúng mau hỏng hơn. Thay vào đó, hãy cắt gọt những phần bị hư hỏng và chỉ rửa trước khi ăn.
Thời hạn bảo quản của một số loại trái cây phổ biến:
– Bơ: bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 3 ngày.
– Ổi, chuối, dâu: bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 4 – 5 ngày.
– Xoài: bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 4 ngày.
– Lê, đu đủ: bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 1 tuần.
– Nho: bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 1 – 2 tuần.
– Cam, quýt, chanh, bưởi: bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 2 tuần.
Cách bảo quản thịt trong tủ lạnh
Thịt heo
Bạn nên bảo quản lạnh thịt heo trong vòng 2 giờ đầu sau khi mua.
Thịt tươi khi mang về, phải rửa thật kỹ để loại bỏ bụi bẩn. Nhớ cắt lát (hoặc khúc) vừa đủ cho một lần chế biến để tiện cho việc rã đông. Tiếp theo, cho thịt vào túi nhựa và bỏ vào tủ lạnh.
Tránh trữ phần thịt heo lớn trên ngăn đá. Vì mỗi lần dùng phải rã đông nguyên miếng thịt. Sau đó, lại tiếp tục làm đông khiến phần thịt còn lại mất chất dinh dưỡng.
Điều kiện bảo quản thịt heo tươi:
– Bảo quản ngăn đá ở nhiệt độ từ -17 đến -18 độ C trong 4 – 12 tháng.
– Bảo quản ngăn mát từ 1 đến 3 độ C trong 3 ngày (nhớ rửa sạch, ướp muối).
Thịt bò
Khác với thịt heo, không cần rửa thịt bò trước khi cho vào tủ lạnh. Nếu mua thịt bò được đóng gói sẵn, chỉ cần cho vào túi nhựa rồi bảo quản trong ngăn lạnh. Vì thịt bò chứa nhiều nước, nên cần cẩn thận đừng để nước tràn ra ngăn tủ, gây mất vệ sinh.
Điều kiện bảo quản thịt bò tươi:
– Bảo quản ngăn đá ở nhiệt độ từ -17 đến -18 độ C trong 4 – 12 tháng.
– Bảo quản ngăn mát ở nhiệt độ từ 1 đến 3 độ C trong 3 ngày
Thịt gà
Không nên rửa thịt gà trước khi cho vào tủ lạnh. Bạn chỉ cần cho thịt vào túi nhựa và bỏ vảo tủ đông mà thôi. Lưu ý, gà nguyên con sẽ bảo quản được lâu hơn. Vì gà có mùi khá đặc trưng, nên cần bọc thật kĩ.
Điều kiện bảo quản thịt gà tươi:
– Bảo quản ngăn đá ở nhiệt độ từ -17 đến -18 độ C trong 1 năm.
– Bảo quản ngăn mát từ 1 đến 3 độ C trong 3 ngày.
Cách bảo quản cá tươi trong tủ lạnh
Cá có mùi tanh khó chịu nên phải rửa thật sạch, để ráo nước rồi bọc kỹ trước khi cho vào trong tủ lạnh.
Khi mua cá được đóng gói sẵn và chưa dùng ngay, thì bỏ vào trong túi nhựa và cho thẳng vào tủ. Nếu sợ cá mất tươi ngon sau khi rã đông, hãy dùng muối xoa đều khắp bề mặt cá trước khi cho vào tủ.
Điều kiện bảo quản cá tươi:
– Bảo quản ngăn đá ở nhiệt độ -12 độ C trong 2 tuần.
– Bảo quản ngăn mát ở nhiệt độ từ -1 đến 1 độ C trong 5 – 6 ngày.
Cách bảo quản trứng trong tủ lạnh
Mỗi tủ lạnh đều được trang bị khay đựng trứng. Bạn nên tận dụng các khay hữu ích này và đặt trứng ở ngăn mát.
Không nên rửa trứng trước khi cho vào tủ lạnh vì sẽ đẩy nhanh quá trình biến chất của trứng. Nếu bề ngoài trứng bị bẩn, dùng màng bọc thực phẩm bao lại.
Điều kiện bảo quản trứng an toàn là ở nhiệt độ 1 đến 3 độ C trong vòng 3 tuần.
Cách bảo quản thức ăn đã nấu chín trong tủ lạnh
Đối với thức ăn đã nấu chín, để nguội trước khi cho vào tủ lạnh. Vì nếu thức ăn còn nóng mà gặp hơi lạnh đột ngột sẽ sinh độ ẩm cao, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Nên cho thức ăn vào tủ lạnh sau khi đã nấu chín 2 tiếng.
Bạn có thể đựng thức ăn trong tô, chén thủy tinh hoặc sứ. Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại, hoặc cho vào hộp nhựa và bảo quản trong ngăn mát.
Để bảo vệ sức khỏe, chỉ bảo quản thức ăn chín 5 – 6 tiếng. Tuyệt đối không trữ thức ăn nấu chín qua đêm vì vi khuẩn có cơ hội phát triển, gây hại cho sức khỏe và dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, tiêu hóa…
Cách bảo quản thức ăn cho bé trong tủ lạnh
Thức ăn cho bé khi trong tủ lạnh phải đựng trong hộp chứa riêng biệt, hoặc các khay trữ đồ ăn dặm, có nắp đậy kín.
Các thực phẩm trữ ở ngăn mát (từ 1 – 3 độ C) phải dùng hết trong thời gian 1 – 3 ngày. Trữ ở ngăn đá (dưới -17 độ C) thì dùng trong vòng 3 tháng.
Riêng sữa và các loại thực phẩm được làm từ sữa, như sữa chua, phô mai… nên đặt gần bộ phận thoát hơi lạnh của tủ lạnh. Vì đây là nơi lạnh nhất của ngăn mát, có thể bảo quản từ 2-3 ngày.
Lưu ý, sau 2 – 3 ngày nếu không uống hết, bạn nên bỏ sữa đi vì khi đó có thể sữa đã lên men và biến chất, uống vào sẽ gây đau bụng.
Nên dành một khoảng không gian riêng trong tủ lạnh để trữ thức ăn cho bé. Vì nếu để gần thịt cá tươi sống, rau củ quả chưa rửa, hay thức ăn của người lớn đã qua chế biến có thể gây ra nhiễm khuẩn và khiến trẻ bị bệnh.
Trên đây là một số mẹo bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh để giữ thực phẩm được tươi và lâu, hãy áp dụng ngay để bảo quản thực phẩm đảm bảo sức khoẻ gia đình bạn nhé.
Có thể bạn quan tâm:
>> Tuyệt đối không được bảo quản những thực phẩm này trong tủ lạnh
>> Những thực phẩm nên trữ trong tủ lạnh ngày Tết