9 đặc sản Đà Nẵng ngon khó cưỡng nhất định bạn phải thử không thể bỏ qua

5/5 - (1012 bình chọn)

Nếu có dịp đến thăm và du lịch khám phá tại Đà Nẵng, thì bạn đừng nên bỏ qua 9 món đặc sản mà chuyên mục Mẹo vào bếp của Mẹo vặt Gia đình sẽ bật mí ngay dưới đây! Để xem hương vị của những đặc sản đó có khác gì so với bạn ăn ở Sài Gòn và các khu vực khác hay không nhé!

1. Mì Quảng

Mì Quảng là một trong những món đặc sản Đà Nẵng mà có thể bạn sẽ nghĩ đến đầu tiên khi có dịp đến với khu vực miền Trung. Mì Quảng được làm từ bột gạo xay mịn, được tráng với lớp bánh khá dày để cắt thành những sợi mì Quảng to và có nét hơi thô, đây chính là đặc trưng của tô mì Quảng Đà Nẵng.

Mì Quảng truyền thống thường có trứng, thịt, gà và tôm, nhưng bạn cũng có thể chọn dùng những loại khác như mì Quảng lươn, mì Quảng cá lóc, mì Quảng chả cua,… Nguyên liệu ăn kèm với mì Quảng thường là dĩa rau sống 9 vị như húng quế, xà lách, rau răm, ngò rí, hoa chuối,… để tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn.

Ngoài ra, ăn mì Quảng Đà Nẵng còn phải kèm theo ớt xiêm xanh, có vị cay thơm và giòn rất ngon, một chút đậu phộng rang beo béo và bánh tráng mè nướng giòn rụm. Mì Quảng thường được ăn khô, chang với ít nước dùng – hầm từ xương heo và ít tôm giã lấy nước để tăng vị ngọt thơm, kèm chút màu hạt điều để làm cho nước dùng đẹp mắt.

Khi du lịch đến Đà Nẵng, bạn có thể thưởng thức mì Quảng bất kì khi nào bạn muốn, thường thì bắt đầu bán vào buổi sáng khoảng tầm 8 giờ trên nhiều tuyến đường như Phan Thanh, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Diệu và Trưng Nữ Vương. Hoặc một số nơi bán cả ngày như trên đường Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Hữu thọ với giá dao đồng 25.000 – 30.000 đồng mỗi tô, bánh tráng nướng thỉnh thoảng được tính riêng với giá khá rẻ.

Mì Quảng

2. Gỏi cá Nam Ô

Đến thành phố Đà Nẵng, bạn không nên bỏ qua món gỏi cá Nam Ô. Nam Ô được biết đến là tên gọi của một làng chài, nằm ở phía Bắc cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10km. Vì thế mà ở đây có rất nhiều loại cá tươi ngon, trong đó cá trích thường được dùng để làm món gỏi cá Nam Ô – đặc sản trứ danh ở khu vực miền Trung.

Người ta đánh bắt cá trích vào buổi sáng sớm, nên còn gọi là cá trích mai, có vị ngọt và ngon không thua gì các loại cá mà bạn hay ăn những món sashimi của Nhật.

Để làm món gỏi cá Nam Ô, một số quán ăn có thể dùng cá trích tươi hoặc cá trích khô với cách chế biến cũng khác nhau. Với cá trích tươi được chế biến nhiều giai đoạn hơn, như người ta chọn những con cá trích to cỡ bằng ngón tay, rồi cắt đầu, đôi, bụng và tách thịt. Sau đó, thái lát mỏng, vắt bớt nước rồi mang đi ướp với riềng, gừng, tỏi, ớt băm và thính. Đối với cá trích khô, thì cần phải ngâm vào nước cho hơi mềm, vớt để ráo nước rồi mới trộn vừng rang, thính, lạc rang và một số gia vị đặc trưng khác.

Ngoài ra, nước chấm gỏi cá Nam Ô cũng được làm khá cầu kì, người ta tận dụng phần nước cá (khi bạn vắt bớt nước từ cá sau khi làm sơ chế), pha thêm nước mắm Nam Ô, bột năng, bột ngọt, ớt và một số gia vị khác tùy theo bí quyết riêng.

Khi thưởng thức, bạn có thể cuộn miếng cá vào rau để chấm, hoặc cuộn vào bánh tráng (vẫn kèm theo rau và cá trích) để thưởng thức. Nhờ sử dụng nhiều loại rau rừng, như lá trâm, lá dừng, tim lan,… và nhiều loại cóc rừng đã làm cho món gỏi cá Nam Ô trở nên đặc biệt hơn.

Thịt cá trích mềm, ngọt, hòa lẫn với các vị thơm của rau rừng, chấm cùng với nước chấm cay thơm, mằn mặn đậm đà, bạn sẽ nghiền ăn hoài món này khi đến Đà Nẵng, nhất là khu vực Nam Ô. Giá thành của dĩa gỏi cá Nam Ô dao động từ 40.000 đồng trở lên.

Gỏi cá Nam Ô

3. Bún chả cá

Đà Nẵng là thành phố biển, khi tới đây bạn cũng nên ăn thử món bún chả cá xem hương vị có đặc biệt hay không nhé! Nước lèo có thể được hầm từ xương cá, hoặc xương heo, nước trong nhưng lại có vị ngọt thơm nhờ sử dụng thêm một số nguyên liệu như thơm, măng khô hoặc cà chua.

Sợi bún được làm từ bột gạo tẻ, trắng tinh và mềm. Chả cá thì ngon không diễn tả nỗi, có vị ngọt mát từ thịt cá tươi, không có mùi tanh quá khó chịu và có độ giòn vừa phải. Ngoài ra, chả cá có thể được tạo hình, như hình thoi, dạng viên, hình chữ nhật với cách chế biến theo hai hình thức – chiên hoặc hấp.

Bún chả cá còn được ăn kèm với nhiều loại rau sống như giá, húng quế và xà lách. Bạn có thể nên thêm một số gia vị được bày trên bàn như ớt tỏi băm, hành ngâm đường, nước mắm và thậm chí mắm ruốc.

Để thưởng thức món bún chả cá, bạn có thể ghé nhiều quán ăn nằm trên đường Hoàng Diệu, Hùng Vương hay đường Trần Văn Cao với giá dao động khoảng 30.000 đồng/tô.

Bún chả cá

4. Bánh tráng thịt heo

Bánh tráng thịt heo là món đặc sản phải nếm thử khi đến Đà Nẵng. Bạn sẽ cảm nhận được thớ thịt mềm mà còn có vị ngọt thơm tự nhiên của phần thịt vai và mông. Bánh tráng cuộn thì dai mềm vừa phải, cho vào một số loại rau sống tươi ngon như rau thơm, xà lách, húng quế, rau đắng, hành lá, chuối chát, dưa leo và diếp cá.

Đặc biệt, nước chấm là mắm nêm được pha chế có vị mặn ngọt đậm đà, chút vị cay nồng của ớt làm cho gỏi cuốn thịt heo trở nên ngon hơn, bạn sẽ nhớ mãi hương vị mỗi khi nhắc đến bánh tráng thịt heo Đà Nẵng.

Nhiều quán ăn phục vụ món bánh tráng thịt heo khắp tại thành phố Đà Nẵng như nằm trên đường Phan Thanh, Trần Bình Trọng, Đỗ Thúc Tịnh, Duy Tân hay Châu Thị Vĩnh Tế với giá dao động từ 40.000 – 170.000 đồng mỗi phần.

Bánh tráng thịt heo

5. Bánh xèo

Bánh xèo Đà Nẵng khác với bánh xèo miền Nam, nhất là ở phần kích thước chỉ to bằng bàn tay của người lớn. Lớp bánh bên ngoài có màu vàng đẹp mắt nhờ bột nghệ hòa tan với ít lòng đỏ trứng, hơi dày nhưng đảm bảo độ giòn rụm khi ăn.

Phần nhân bánh cũng khá đơn giản như tôm tươi, thịt ba chỉ và ít giá đỗ. Dĩa rau sống gồm nhiều loại rau có hương vị thơm ngon như húng quế, rau cải con, chuối chát,… và xà lách. Đặc biệt nhất là nước chấm được chế biến từ gan heo và đậu phộng rang xay nhuyễn cùng với một số gia vị khác để tạo hương vị riêng. Ngoài ra, bạn có thể ăn kèm với nước mắm ớt tỏi chua ngọt.

Bánh xèo ăn ngon nhất khi còn nóng, quấn trong miếng bánh tráng mỏng kèm với nhiều rau xanh, rồi chấm vào nước chấm để cảm nhận được độ giòn, béo ngậy và vịt ngọt dai của thịt.

Giá bánh xèo dao động khoảng 5.000 đồng/cái trên nhiều tuyến đường Hải Phòng, Hoàng Diệu,… với thời gian bán linh hoạt từ sáng đến tối tùy một số quán ăn.

Bánh xèo

6. Bê thui cầu mống

Bê thui Cầu Mống là đặc sản trứ danh ở tại địa phương và các du khách khi đến với thành phố Đà Nẵng không thể bỏ qua món ăn này. Con bê được thui vàng ruộm và quay đều trên than lửa hồng, giúp cho thịt bê vừa chín tới, mềm vừa giữ được màu đỏ hồng với lớp da vàng ruộm, không quá dai và bị gắt mùi khói.

Những lát thịt bê được thái mỏng vừa phải, nhìn trông tươi rói và mềm, chấm cùng với nước mắm cá cơm nguyên con rất ngon. Khâu làm nước mắm cũng là bí quyết của người bán, vì có thể sử dụng cá cơm hoặc cá nục đem gạn ép xác, lọc lấy nước và pha thêm đường, tỏi ớt giã nhuyễn, gừng, mè rang vàng sao cho nước chấm có vị mặn ngọt, cay nồng hấp dẫn.

Thưởng thức bê thui, kèm theo nhiều loại rau sống như rau Trà Quế, tía tô, cải non, ngò thơm, húng quế, khế chua và chuối chát.

Giá bê thui Cầu Mống thay đổi theo từng thời điểm, bạn có thể đến Cầu Mống (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 15km để thưởng thức đúng hương vị của món bê thui nổi tiếng ở đây.

Bê thui cầu mống

7. Chè xoa xoa hạt lựu

Xoa xoa hạt lựu là món chè rất phổ biến khi bạn dọc theo các cung đường sầm uất của thành phố Đà Nẵng, từ quán ăn lớn cho đến các quán ăn vỉa hè, bên trong lòng chợ cũng đều bán loại chè này.

Nguyên liệu chính làm ra món xoa xoa hạt lựu, gồm có xoa xao (là một loại thạch trắng được nấu từ rong biển, giống với sương sa miền Nam); hạt lựu (được chế biến từ bột năng hoặc bột lọc, có hình dạng giống với hạt của quả lựu); thạch đen (được nấu từ lá cây mát, màu đen và đông tự nhiên), đậu xanh đánh và nước cốt dừa.

Sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu này làm cho món chè trở nên ngon mát hơn, dai và giòn của các loại bột. Đây không những là món chè thỏa mãn cho những tín đồ ăn ngọt mà còn trở thành món chè thanh mát cho cơ thể.

Giá dao động chè xoa xoa hạt lựu từ 5.000 – 7.000 đồng/ly.

Chè xoa xoa hạt lựu

8. Ốc hút

Đà Nẵng có nhiều loại hải sản, bạn phải nếm thử món ốc hút ở đây ra sao nữa nhé! Người dân có thể dùng ốc gạo, ốc đắng hay ốc bươu đem về ngâm để loại bỏ hết bụi cát và nhớt, rửa sạch, để ráo và đem xào với sả ớt kèm chút gia vị.

Vì thế, món ốc hút cũng gọi là món ốc xào sả ớt tại Đà Nẵng. Cứ chiều chiều, thời tiết mát mẻ là điều kiện lý tưởng để bạn cùng với người thân, bạn bè của mình, ngồi cạnh nhau để hút ốc, thịt ốc dai giòn kèm với nước xào cay thơm, hít hà rất sảng khoái. Hơn nữa, bạn có thể dùng kèm với ít bánh tráng, chấm cùng với nước ốc cũng khá lạ miệng.

Giá thành dĩa ốc hút khoảng 20.000 – 30.000 đồng/dĩa trên nhiều tuyến đường 2/9, đường Nguyễn Bá Lân, Đống Đa,… và Hoàng Hoa Thám.

Ốc hút

9. Mít trộn

Mít trộn là món gỏi được làm từ mít non luộc vừa chín tới, xé sợi và trộn chung với thịt ba rọi, tôm thẻ hoặc da deo thái sợi, chan một ít nước mắm chua ngọt, kèm với ít húng lủi và rau răm.

Thưởng thức món mít trộn Đà Nẵng, phải kèm theo bánh tráng mè nướng, ít sa tế để kích thích vị giác khi ăn gỏi và chút đậu phộng rang giã nhuyễn. Vị ngọt, bùi thơm của sợi mít non, hòa lẫn với vị ngọt của thịt tôm, giòn dai của da heo, vị béo của đậu phồng và nhất là vị cay mằn mặn của nước trộn gỏi.

Sự phối hợp giữa các nguyên liệu này, làm cho bạn nhớ mãi món mít trộn khi có dịp tới Đà Nẵng. Giá thành mỗi dĩa mít trộn dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/dĩa, trên các tuyến đường như Ông Ích Đường, Phạm Văn Nghị,… và kể cả trong lòng chợ.

Mít trộn

Nếu đã có dịp đến khu vực miền Trung, thì bạn hãy nếm thử 9 đặc sản Đà Nẵng ngon, khó cưỡng mà nhất định bạn phải thử, không thể bỏ qua nhé!

5/5 - (1012 bình chọn)

Bài viết liên quan