13 món ăn đặc sản Cần Thơ nổi tiếng thơm ngon khó cưỡng

5/5 - (1551 bình chọn)

” Cần thơ gạo trắng nước trong, ai đi đến đó lòng không muốn về”. Thật vậy, Cần thơ không chỉ níu chân du khách bằng cảnh quan sông nước yên bình mà còn bằng các món ăn thơm ngon. Hãy cùng mình vào bếp Mẹo vặt Gia đình điểm qua 13 món ăn đặc sản của vùng đất này nhé!

1. Hủ tiếu khô Sa Đéc

Hủ tiếu thì chỗ nào cũng có, nhưng hủ tiếu Sa Đéc ở Cần Thơ thì đặc biệt hơn cả. Cái đặc biệt ấy nằm ở chỗ hủ tiếu không bày trong tô mà lại bày trong dĩa. Đến đây, bạn sẽ được thưởng thức dĩa hủ tiếu khô thơm ngon, đầy hấp dẫn.

Những sợi hủ tiếu to, dai, trắng ngần trộn lẫn với nước sốt vàng béo đậm đà. Phía trên phủ lên một lớp thịt, tim, gan heo đầy ắp rồi trang trí thêm hẹ, xà lách cắt nhỏ. Tất cả đã tạo nên một hương vị khó quên trong lòng người thưởng thức.

hủ tiếu khô Sa Đéc

2. Bánh đúc mặn Cần Thơ

Bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc, bánh đúc mặn cũng là một đặc sản mang nét dân dã, quen thuộc của Cần Thơ. Bề ngoài tưởng chừng đơn giản, không thu hút bằng các món ăn khác, chỉ có vài nguyên liệu như mắm, nước cốt dừa, tôm thịt bằm, mỡ hành thêm rau thơm cắt nhỏ. Vậy mà khi ăn rồi, dĩa bánh đúc lại khiến thực khách phải tấm tắc khen ngợi.

Khi thưởng thức, du khách liền cảm nhận được vị béo mềm của bánh quyện với vị ngậy của nước cốt dừa và mỡ hành, thêm chút mặn đậm đà của tôm thịt ăn kèm rau thơm. Chén nước mắm chua ngọt bên cạnh càng khiến vị bánh ngon một cách khó cưỡng. Chính cái vị ấy đã khiến bánh đúc chiếm một vị trí nhất định trong lòng người dân bản địa và khách phương xa.

Bánh đúc mặn Cần Thơ

3. Rượu mận Sáu Tia

Miền Tây là vùng đất trồng nhiều trái cây, chính vì thế mà một số món ăn hay rượu đều lấy trái cây làm nguyên liệu chính. Rượu trái cây ở miền Tây phong phú và đa dạng: chuối hột, sim, nho,… Trong đó, rượu mận Sáu Tia ở Cần Thơ nổi tiếng gần xa bởi hương vị đặc biệt thơm ngon lại tốt cho sức khỏe.

Người sáng chế ra loại rượu này là ông Sáu Tia.Theo ông kể, nguyên liệu làm rượu là những trái mận ngon nhất từ loại mận An Phước hay mận đào lá. Với phương pháp chế biến thủ công nấu chứ không ngâm cất, không bỏ cồn, hóa chất hay hương liệu đã làm rượu có vị cay nồng, thơm ngọt tự nhiên.

Bên cạnh đó, rượu không khiến người uống đau đầu, mệt mỏi mà còn hỗ trợ tiêu hóa. Nếu ghé qua Cần Thơ, du khách đừng quên mua một bình rượu Sáu Tia về thưởng thức nhé!

Rượu mận Sáu Tia

4. Bánh xèo Cần Thơ

Ở Cần Thơ, người dân không “làm” bánh xèo mà “đổ” bánh xèo. Bột bánh được để trong một cái chén nhỏ, sau đó đổ trực tiếp lên mặt chảo nóng để vang lên tiếng “xèo” vui tai. Vậy là cụm từ “đổ bánh xèo” ra đời từ đó.

Nguyên liệu làm bột bánh bao gồm bột gạo pha nước cốt dừa, nghệ củ để tạo màu vàng óng ánh. Khi lớp vỏ bánh gần chín, người ta cho vào bên trong lòng các nguyên liệu như tôm, thịt, giá sống, rồi rắc một ít hành thái lên, gấp đôi vỏ bánh lại. Ở một số nơi họ còn cho thêm củ hủ dừa và thịt vịt xiêm thái sợi mỏng.

Chiếc bánh xèo nóng hổi, vàng ươm ăn kèm với các loại rau sống như: cải xanh, xà lách, rau thơm, kế bên là chén nước chấm đặc trưng của Cần Thơ khiến mùi vị bánh không thể lẫn vào đâu được.

Bánh xèo Cần Thơ

5. Bánh hỏi – heo quay Phong Điền

Nếu có dịp đến Phong Điền – Cần Thơ, du khách đừng quên ghé thăm nhà vườn Minh Cảnh để thưởng thức món bánh hỏi heo – quay ngon trứ danh.

Bánh hỏi ở đây rất đặc biệt, từng cuốn bánh nhỏ xíu, trắng tinh được tẩm ít mỡ hành ăn kèm với những miếng thịt heo giòn, ngon. Kẹp thêm ít rau sống rồi chấm cùng nước mắm hay nướng tương chua cay. Mùi vị quả thực rất tuyệt vời, đây nhất định là lựa chọn ưu tú cho bữa trưa của bạn.

bánh hỏi heo quay Phong Điền

6. Ốc nướng tiêu Cần Thơ

Không khó để tìm được món ốc nước tiêu ở các địa phương khác nhưng ốc nướng tiêu ở Cần Thơ lại khiến thực khách phải thốt lên “ăn là ghiền”.

Những con ốc bươu được nướng trên bếp than, vừa nướng vừa thêm các gia vị như nước mắm pha tiêu, tỏi, bột ngọt vào trong vỏ ốc. Khi nước trong ốc sôi lên là lấy ra dĩa, đặt cạnh một ít rau răm rồi mang ra cho thực khách thưởng thức ngay khi còn nóng.

Hương thơm của món ăn rất kích thích khứu giác. Thịt ốc được nướng vừa, không quá khô, giòn và rất ngon. Khi nếm vào cảm nhận được vị cay cay của tiêu xanh, vị ngọt mặn của nước sốt. Nếu đã đến Cần Thơ, đừng bỏ qua món ăn thú vị này nhé!

ốc nướng tiêu xanh Cần Thơ

7. Chuối nếp nướng Cần Thơ

Nếu như Sài Gòn có chuối nếp nướng thon dài, Mỹ Tho có chuối nếp to, ăn 1 quả là căng cả bụng thì chuối nếp ở Cần Thơ lại bé bé, xinh xinh với lớp nếp ngoài màu nâu giòn, nếp trong màu trắng nhũn và màu vàng tới của chuối chín vừa.

Còn gì tuyệt vời hơn khi ở Cần Thơ vào những ngày trời mưa lạnh, tay cầm một trái chuối nếp nướng nóng, tận hưởng mùi thơm thoang thoảng của nếp và vị ngọt của chuối tan trong miệng.

Bánh chuối nếp nướng Cần Thơ

8. Bánh tằm bì Cần Thơ

Bánh tằm bì là một trong những món ăn dân dã, quen thuộc ở Cần Thơ. Bánh được tạo ra từ hai nguyên liệu chính: bột được pha chế có liều lượng rồi ép khuôn đem đi hấp cho ra sợi bánh. Thịt, da heo luộc thái sợi rồi đem ướp cùng thính gạo, tỏi tươi băm nhuyễn, tỏi phi, đường, muối,.. cho ra bì.

Dĩa bánh tằm đến tay thực khách luôn nóng hổi. Những sợi bì óng ánh và những sợi bánh được rưới nước cốt dừa trông thật hấp dẫn. Khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm nhận được vị mềm ngậy của bánh với nước cốt dừa, vị thính nhẹ của rau thơm, sợi bì giòn dai rất tuyệt vời.

Bánh tằm bì Cần Thơ

9. Bánh cống Cần Thơ

Bánh cống là một món ăn vặt nổi tiếng ở Cần Thơ, được nhiều người ưa thích. Nguyên liệu làm bánh gồm có: bột, đậu xanh, tôm. Người ta đặt hỗn hợp bột vào chiếc cống rồi chiên ngập dầu. Sau khi bánh đã chín giòn thì lấy ra.

Những chiếc bánh có màu vàng đẹp mắt, tôm được phủ lên mặt bánh. Bên cạnh là dĩa rau cải đắng, diếp cá, đọt xoài hay xà lách, húng quế và chén nước mắm chua ngọt trông thật thu hút.

Du khách sẽ nhớ mãi cảm giác được tận hưởng chiếc bánh cống giòn rụm tan trong miệng, mùi đậu xanh, thịt, tôm trộn lẫn vào nhau cùng với vị chua ngọt của nước mắm. Tất cả đã tạo nên một món ăn phong phú,độc đáo của ẩm thực Cần Thơ.

Bánh cống Cần Thơ

10. Lẩu mắm Cần Thơ

Lẩu mắm là món ăn đặc trưng của vùng sông nước miền Tây nói chung và của ẩm thực Cần Thơ nói riêng. Điểm đặc biệt của lẩu mắm Cần Thơ khiến những người sành ăn đều tấm tắc khen “ngon nhất hiện nay” là ở khâu lựa chọn mắm.

Mắm dùng để nấu lẩu phải có xuất xứ từ Châu Đốc và gồm có ít nhất ba loại: mắm sặc tạo mùi thơm, mắm trèn để tăng hương vị và màu sắc, mắm linh để tạo vị béo của cá đồng.

Ở Cần Thơ, khi nấu nước lẩu người ta phải lọc được hết vị của mắm, sau đó cho thêm nước cốt dừa và nước hầm xương heo để tăng vị ngọt. Cuối cùng để nhỏ lửa, cho ớt cùng sả băm nhuyễn vào.

Lẩu mắm

Nước lẩu có màu nâu sánh, vị rất đậm đà, thơm ngon. Bên trong nồi lẩu là thịt ba rọi, cá, mực, tôm cùng với cà tím. Điểm đặc biệt của lẩu mắm là có thể ăn cùng với rất nhiều loại rau như: rau muống, rau đắng, bông súng, bông bí, đậu rồng, bắp chuối,…

Để món ăn được ngon hơn, người ta thường pha một chén mắm me kết hợp với ớt tươi để tăng phần hấp dẫn. Có thể nói, lẩu mắm từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu của đặc sản Cần Thơ.

Lẩu mắm

11. Lẩu bần

Nếu như lẩu mắm mang vị mặn ngọn là chính thì lẩu bần Cần Thơ lại mang vị chua rất thanh và dịu mát. Nguyên liệu nấu lẩu rất đa dạng, ngoài trái bần chín hay nước cốt bần thì cá nấu lẩu cũng có thể thay đổi theo mùa. Có khi là cá basa, có khi lại là cá diêu hồng hoặc cá ngát. Nếu không có cá thì nấu với baba hay cua đinh cũng rất ngon.

Nước lẩu bần cũng giống như những nước lẩu khác ở miền Tây. Trước tiên, người ta ninh cá và xương heo thành nước để tạo vị ngọt. Sau đó, đổ vào một ít nước cốt me chua, nước cốt bần và thêm một ít rau thơm cắt nhuyễn cùng ớt lát để tạo vị cay.

Lẩu bần

Khi thưởng thức,thực khách sẽ cảm nhận được hương vị rất thơm, vị chua ngọt đặc trưng của trái bần không lẫn vào đâu được. Cá khi được làm sạch thì thả vào nồi lẩu nấu, khi ăn người ta vớt ra và bỏ vào dĩa nước mắm ớt.

Rau ăn lẩu là các loại rau gần gũi với người miền Tây như: bông súng, so đũa, điên điển,…

Lẩu bần

12. Nem nướng Cái Răng

Cái Răng- Cần Thơ từ lâu đã nổi tiếng với món nem nướng do người phụ nữ tên là Tư Khem sáng tạo. Nem thì ở đâu cũng có, nhưng nem nướng Cái Răng lại mang một hương vị rất riêng, khiến cho biết bao du khách khi đã đến đây thì phải tìm mua để thưởng thức.

Một mẹt nem nướng gồm có: những viên nem tròn trĩnh được làm từ thịt lợn tươi rồi nướng trên than hồng, bánh hỏi Phong Điền, rau thơm, dưa leo, chuối chát, dưa chua và chén mắm nêm.

Thật không dễ gì quên được cảm giác thưởng thức một chiếc bánh tráng cuốn với bánh hỏi Phong Điền, đặt vào thêm một viên nem nướng cùng ít rau sống rồi chấm cùng mắm nêm. Tất cả đã tạo nên hương vị độc đáo của món nem nướng Cái Răng.

Nem nướng Cái Răng

13. Bánh tét lá cẩm

Ẩm thực Cần Thơ không thể nào bỏ qua cái tên bánh tét lá cẩm. Gia tộc họ Huỳnh ở Bình Thủy đã làm bánh tét trở nên độc đáo hơn khi lấy lá cẩm nấu nước rồi đem ngâm cùng với nếp dẻo để làm bánh.

Nguyên liệu truyền thống gồm có: nếp cẩm, đậu xanh, nước cốt dừa, thịt mỡ, trứng vịt muối. Người ta rất chú trọng phần lựa nếp và thịt vì nếu nếp lẫn gạo tẻ hay thịt không tươi sẽ khiến bánh không được ngon.

Khi cắt ra, những khoanh bánh có vành ngoài màu tím mượt mà, màu hồng của thịt và mỡ, màu vàng của trứng vịt muối trông thật đẹp mắt.

Bánh tét là cẩm

Vậy là mình vừa dạo qua một vòng các món ăn đặc sản tại Cần Thơ. Đừng quên thử ngay nếu có dịp ghé đến vùng đất này nhé!

5/5 - (1551 bình chọn)

Bài viết liên quan