Nguyên nhân gây tụt lợi và cách khắc phục, chăm sóc tình trạng tụt lợi
Tình trạng tụt lợi thường sẽ gây ê buốt mỗi khi đánh răng và khó vệ sinh răng miệng, cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục tụt lợi nhé.
Tụt lợi thường xảy ra do chăm sóc răng miệng không đúng cách dẫn đến việc mất thẩm mỹ và ảnh hưởng sức khỏe răng miệng. Hãy cùng Mẹo Vặt Gia Đình tìm hiểu về nguyên nhân, cách khắc phục và chăm sóc cho tình trạng tụt lợi trong bài viết sau nha.
Tụt lợi là gì?
Tụt lợi hay tụt nướu là tình trạng các phần nướu bao quanh chân răng di chuyển xuống cuống răng dẫn đến việc răng bị lộ phần thân ra bên ngoài. Bệnh này có thể xảy ra ở một số vị trí hoặc lan rộng trên cả hàm trên và dưới. Khi xảy ra, người bệnh thường gặp các triệu chứng như sưng nướu, chảy máu chân răng và hôi miệng.
Tụt lợi có thể được phân loại thành hai loại khác nhau. Một loại là tụt lợi có thể nhìn thấy trực tiếp do một phần của cấu trúc lợi bị tụt xuống và có thể quan sát thấy bằng mắt thường.
Loại còn lại là không thể nhìn thấy trực tiếp do việc phần tụt bị che phủ, chỉ có thể phát hiện thông qua việc sử dụng máy dò xung quanh răng để xem vị trí mô bám dính.
Biểu hiện răng bị tụt lợi
Tụt lợi thường có những dấu hiệu rõ rệt như lợi sưng đỏ, đau và khó chịu, tình trạng chảy máu từ chân răng xảy ra sau khi làm vệ sinh miệng hoặc tiến hành các quá trình điều trị nha khoa. Ngoài ra, hơi thở có mùi hôi cũng là một biểu hiện thường gặp, cùng với việc lợi bị rút lại, gây ra sự lung lay của răng.
Nguyên nhân gây tụt lợi
Bệnh có thể xuất hiện ở cả hàm trên và hàm dưới, ở bất kỳ vị trí nào, đặc biệt là ở hàm dưới và gần răng nanh. Nếu bệnh diễn biến nhanh, tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng đáng kể. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt lợi như sau:
- Sức khỏe răng miệng kém do có sự tích tụ vi khuẩn trong mảng bám giữa nướu và răng gây viêm nướu. Nếu không chữa trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến việc tụt lợi, bệnh nha chu và tổn thương cấu trúc xương hàm.
- Việc chải răng quá mạnh khi sử dụng bàn chải cứng hoặc dùng chỉ nha khoa áp lực quá lớn có thể gây mài mòn men răng bên ngoài, gây tổn thương và tụt lợi.
- Nếu trong gia đình có một trong bố hoặc mẹ bị tụt lợi, nguy cơ bị tụt lợi cũng sẽ tăng lên khá cao. Ngoài ra, việc răng mọc không đều hoặc lệch khớp cắn có thể tạo áp lực quá mức lên khu vực đó, gây ma sát và dẫn đến tụt lợi.
- Tương tự như việc răng mọc không đều, nghiến răng hay chứng nghiến răng là một thói quen tạo ra một lực tác động quá mức gây mòn nướu răng và tụt lợi.
- Phụ nữ có thể trải qua một số giai đoạn lớn của sự biến đổi hormone như tuổi dậy thì, thai kỳ và mãn kinh. Trong suốt những giai đoạn này, phụ nữ dễ mắc các vấn đề về bệnh nướu và sức khỏe răng miệng đặc biệt là tụt lợi.
- Mô nướu có thể bị tụt sau khi bị tổn thương và thường xảy ra tại vùng bị tổn thương hoặc khu vực lân cận.
- Việc sử dụng chất nicotin có trong thuốc lá tăng nguy cơ tụt nướu và tăng khả năng gặp vấn đề về răng miệng. Ngoài ra, tình trạng suy yếu của hệ thống miễn dịch và ức chế dòng chảy của tuyến nước bọt sẽ hình thành nhiều mảng bám hơn.
Những ảnh hưởng đến sức khỏe khi bị tụt lợi
Tình trạng tụt lợi thường gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe răng miệng như sau:
- Các mảng bám, cao răng bám vào kẽ răng làm cho việc vệ sinh trở nên khó khăn, dẫn đến hôi miệng và tăng nguy cơ bị sâu răng.
- Chân răng bị hở sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công, gây ra các vấn đề như ê buốt, viêm tủy răng, chảy máu chân răng và suy giảm mật độ xương răng.
- Tụt nướu cũng gây ra mất thẩm mỹ nghiêm trọng, tạo ra các khoảng trống giữa các răng, khiến răng trông dài hơn và không có màu sắc đồng nhất.
Cách khắc phục tụt lợi
Sau đây là một số cách khắc phục tình trạng tụt lợi mà bạn có thể tham khảo:
Chăm sóc răng miệng đúng cách
Kích thước bàn chải đánh răng phù hợp và đầu cọ bàn chải cần mềm để đảm bảo việc làm sạch các vị trí răng trong miệng mà không gây tổn thương cho lợi và nướu.
Kết hợp việc sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng với việc đánh răng đều đặn có thể giúp bạn loại bỏ mảnh vụn thức ăn khỏi các kẽ răng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải lấy cao răng định kỳ 6 tháng 1 lần để tối ưu việc lấy mảng bám ra khỏi chân răng.
Áp dụng một số biện pháp dân gian
Trà xanh không chỉ có khả năng ngăn ngừa mà còn hỗ trợ trong việc điều trị nhiều bệnh lý liên quan đến răng miệng một cách hiệu quả. Đặc biệt, trà xanh giúp giảm tổn thương do việc tụt nướu gây ra cho răng và làm dịu tình trạng viêm.
Dầu mè, dầu dừa và tinh dầu khuynh diệp được xem như những phương pháp hữu ích để khắc phục vấn đề tụt lợi. Sử dụng dầu dừa và dầu mè làm nước súc miệng có thể giúp loại bỏ mảng bám trên răng và ngăn ngừa tình trạng tụt lợi.
Tinh dầu khuynh diệp không chỉ giúp tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến tụt nướu, mà còn có tính chất chống viêm và giảm sưng hiệu quả.
Sau khi làm sạch răng miệng, hãy dùng mật ong vào vùng tụt nướu và để trong khoảng 5 phút trước khi súc miệng. Mật ong có khả năng kháng khuẩn và khử trùng tốt, do đó, việc điều trị tụt lợi bằng phương pháp này mang lại hiệu quả cao.
Một phương pháp tự nhiên khác để giải quyết tình trạng tụt lợi là sử dụng tỏi. Đầu tiên, hãy giã nhuyễn tỏi và lấy nước từ đó. Sau khi đã vệ sinh răng miệng kỹ càng, hãy bôi nước tỏi vào vùng bị tụt lợi. Các chất kháng viêm có trong tỏi sẽ hoạt động một cách hiệu quả để khắc phục tình trạng này.
Tăng cường bổ sung vitamin C
Vitamin C có khả năng tăng cường hệ miễn dịch và chống oxy hóa cho cơ thể nếu được sử dụng đúng cách đặc biệt là khi kết hợp với vitamin C canxi ascorbate dạng bột.
Điều trị nha khoa
Nếu bạn gặp tình trạng tụt lợi răng nhẹ, hãy loại bỏ cao răng và mảng bám tích tụ trên răng và chân răng tại các cơ sở nha khoa uy tín. Đối với việc ê buốt răng xảy ra thường xuyên, bạn nên sử dụng kem chống ê buốt hoặc ngậm gel flour theo hướng dẫn của bác sĩ nha khoa.
Trong trường hợp viêm nướu xảy ra, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh phù hợp. Nếu tụt lợi răng ở mức độ nặng, cần tham khảo ý kiến của chuyên gia để tìm giải pháp phù hợp.
Trên đây là chia sẻ của Mẹo Vặt Gia Đình về nguyên nhân gây tụt lợi và cách khắc phục. Hy vọng bạn sẽ lưu ý để bảo vệ sức khỏe răng miệng của bản thân nhé.
Nguồn: Trang Medlatec, Vinmec