Mẹo bảo vệ điện thoại trong những ngày hè nóng bức

5/5 - (4253 bình chọn)
bảo vệ điện thoại

1. Tránh nhiệt độ cao

Nếu như vào mùa đông, cái lạnh là kẻ thù của điện thoại thì đến mùa hè, bạn cần lưu ý tránh để điện thoại bị quá nóng, nếu không, nó có thể tự tắt nguồn hoặc đây sẽ là điểm khởi đầu cho những thiệt hại không thể khắc phục khác.

điện thoại bị nóng

Pin và màn hình là những bộ phận bị tác động nhiều nhất khi ánh nắng chiếu trực tiếp vào thiết bị trong thời gian dài. Rủi ro cao hơn nữa có thể xảy ra nếu bạn đang ở trong xe hơi và nó cũng đang đỗ/chạy dưới trời nắng gắt.

Vì vậy, hãy chắc chắn rằng chiếc smartphone của bạn được để ở nơi tránh xa ánh nắng và nguồn tỏa ra nhiệt độ cao.

2. Giảm nhiệt nhanh chóng

Nếu điện thoại bị quá nóng, bạn cần hết sức cẩn trọng, tránh mắc thêm sai lầm khi hạ nhiệt. Bạn không nên đặt điện thoại vào tủ lạnh hoặc tủ đông vì như vậy càng có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn cho máy (dẫu nó sẽ được làm mát nhanh chóng).

đặt điện thoại trong tủ lạnh

Bạn có thể tắt nguồn, đặt máy ở nơi thoáng mát và để nó từ từ “nguội” đi nhằm tránh rủi ro. Bạn cũng không nên sạc điện thoại khi đang làm mát vì nếu đã ở trạng thái quá nóng, viên pin không nên được tiếp thêm năng lượng.

3. Sử dụng ốp lưng hợp lý

Bao da, ốp lưng là những phụ kiện hữu ích để bảo vệ điện thoại tránh khỏi những hư hỏng do va đập, nhưng khi thiết bị quá nóng, chúng có thể trở thành tác nhân làm chậm quá trình tỏa nhiệt ra bên ngoài ở phía mặt lưng, đặc biệt là với những mẫu ốp lưng có vỏ nhựa dày.

ốp lưng

Có những mẫu ốp lưng được thiết kế để sử dụng tốt trong điều kiện trời nóng, chẳng hạn như các loại ốp viền chỉ bao bọc phần khung, để lộ mặt lưng. Ốp lưng làm từ vải hoặc cao su tổng hợp cũng là lựa chọn tốt khi bạn muốn cải thiện việc tỏa nhiệt trong khi vẫn lắp ốp lưng bảo vệ điện thoại.

4. Điện thoại chống nước không có nghĩa là đem nó đi ngâm nước

Trời nóng thì chúng ta thường đi bơi, đi tắm biển cho mát, nhưng với điện thoại, bạn tuyệt đối không được làm thế. Hãy chỉ mang chúng ra hồ bơi, bãi biển, nơi nhiệt độ mát mẻ và đứng trên bờ chụp ảnh – quay phim là đủ.

chụp ảnh dưới nước

Dẫu nhiều smartphone ngày nay đạt chuẩn chống nước IP67 hoặc IP68, điều đó không có nghĩa là chúng có thể “lặn” dưới đáy hồ bơi. Về mặt lý thuyết, IP67 tương đương “có thể ngâm nước ở độ sâu 1m trong vòng 30 phút”, nhưng thuật ngữ “nước” ở đây ám chỉ nước ngọt.

smartphone chống nước

Thế nên, “tắm” điện thoại trong nước biển hoàn toàn không an toàn, tương tự là với nước pha xà phòng trong bồn tắm.

Đó là chưa kể, có những chiếc điện thoại không được tích hợp chuẩn chống nước. Trong trường hợp này, bạn nhớ giữ máy trong vùng an toàn hoặc đặt nó trong một ốp lưng/túi nhựa chống nước chuyên dụng.

túi chống nước

5. Smartphone không phải là đồ chơi bãi biển

Đừng để smartphone lăn lộn trên bãi cát, bởi tuy nhiều thiết bị đạt chuẩn chống bụi, cát không thể xâm nhập vào bên trong nhưng nó sẽ bám vào những khe hở, cổng cắm và là nguyên nhân khiến máy trầy xước nhanh hơn.

Nếu bạn gặp vấn đề với cát, đừng cố gắng thổi cát ra khỏi các lỗ hổng (nhất là không dùng khí nén để làm điều này). Nếu bạn thực hiện, cát sẽ càng in sâu hơn. Thay vào đó, bạn nên làm sạch nhẹ nhàng với một chiếc bàn chải thì sẽ hiệu quả hơn.

smartphone dính cát

Hoặc, bạn có thể áp dụng một giải pháp đơn giản khi đi nghỉ dưỡng là để lại điện thoại trong phòng khách sạn (sau khi đã chắc chắn về sự an toàn) và hòa mình tận hưởng khung cảnh xung quanh.

Bạn có mẹo nào để bảo vệ điện thoại thông minh trong mùa hè không? Nếu có, hãy chia sẻ cùng mọi người dưới phần bình luận nhé!

Xem thêm: Đây là lý do khiến iPhone sạc chậm và cách khắc phục

5/5 - (4253 bình chọn)

Bài viết liên quan