Bạn đã biết sử dụng chảo chống dính đúng cách chưa?
Cách sử dụng chảo chống dính
– Không nên sử dụng nhiều dầu, mỡ khi chiên thực phẩm
Điều này không chỉ tốt cho sức khỏe của bạn mà còn giúp bảo vệ bề mặt chảo nữa đấy. Đặc trưng của chảo chống dính chính là bạn không cần dùng nhiều dầu để chống dính thức ăn, thậm chí bạn có thế áp chảo một số thực phẩm mà không cần thêm dầu.
Chế biến thực phẩm với nhiều dầu mỡ đồng nghĩa với việc nhiệt độ khi sử dụng chảo chống dính sẽ gia tăng và điều này sẽ ảnh hưởng tới độ bền của sản phẩm.
– Không nên cho dầu vào khi chảo nóng
Đối với chảo chống dính, nếu bạn chờ chảo thật nóng rồi mới đổ dầu vào thì sự tiếp xúc đột ngột có thể làm ảnh hưởng, bong tróc lớp chống dính trên bề mặt chảo. Cách sử dụng đúng là bạn hãy đổ dầu vào khi chảo chưa nóng và để dầu cùng nóng lên với chảo trên bếp.
– Nấu ở lửa nhỏ hoặc trung bình
Các loại chảo có thể chịu được mức nhiệt khác nhau tùy vào chất liệu chống dính. Ở nhiệt độ quá cao, các chất chống dính này có thể phân hủy tạo nên chất độc hại gây ung thư.
Vì vậy không nên dùng chảo chống dính để làm những món ăn như đồ nướng, thắng đường, rang cháy… Không nên nấu với lửa quá lớn, tránh lửa bén vào lòng chảo, tránh nung chảo trên bếp khi chưa có dầu hay thức ăn bên trong.
Các loại chảo chống dính của các thương hiệu uy tín hiện nay có chứng nhận an toàn cho sức khỏe, nhưng bạn vẫn không nên nấu trên lửa lớn để bảo vệ và tăng tuổi thọ cho chảo.
– Không ma xát bề mặt chảo chống dính bằng vật cứng, sắc nhọn
Những dụng cụ nấu ăn bằng kim loại cứng, sắc có thể làm bề mặt chảo chống dính bị trầy. Vì vậy khi thao tác với chảo chống dính cần nhẹ nhàng, tốt nhất là sử dụng dụng cụ nấu ăn bằng gỗ có đầu được mài tròn, như vậy sẽ giúp bảo vệ bề mặt chảo chống dính hiệu quả.
Cách vệ sinh và bảo quản chảo chống dính
– Không nên rửa chảo khi vừa chiên rán xong
Khi vừa chiên rán xong, chảo vẫn còn rất nóng. Việc tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh sẽ làm nhiệt độ thay đổi đột ngột, dẫn đến lớp chống dính dễ bị bong tróc. Nên để chảo nguội bớt rồi cho nước vào ngâm để những thực phẩm còn bám lại mềm và tróc ra, như vậy chỉ cần thao tác nhẹ nhàng để rửa sạch chảo.
– Dùng mút mềm để rửa chảo
Dùng mút mềm để rửa chảo, tránh loại mút xù xì dễ làm trầy xước hư hỏng bề mặt chống dính.
– Treo chảo chống dính riêng ở trên cao
Đây được xem là cách bảo quản chảo chống dính tốt nhất. Treo chảo trên cao sẽ tránh được các loại dụng cụ khác cọ vào bề mặt, gây trầy xước, biến dạng mặt chảo. Nếu cất chảo chung với những dụng cụ khác bạn cũng cần lưu ý đừng úp chảo chồng lên các loại xoong nồi khác.
– Thay chảo chống dính khi bề mặt đã bong tróc
Khi mặt chảo đã bắt đầu bong tróc và dính từng mảng thức ăn, đừng nên tiếc mà hãy thay chảo mới. Vì khi đó dù bạn có sử dụng kỹ thì lớp chống dính vẫn tiếp tục bong tróc, có thể dính vào thức ăn sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn.
Chảo chống dính có thể sử dụng được trung bình 2 năm, và 3 năm nếu bạn chú ý bảo vệ mặt chảo.
Bài viết trên đã cung cấp cho các bạn một số kiến thức cần thiết trong việc sử dụng chảo chống dính sao cho thật bền lâu và an toàn cho sức khỏe rồi đúng không nào? Hãy sử dụng những dụng cụ nhà bếp đúng cách vì đó cũng là một phần quan trong giúp bữa ăn thêm ngon.
Xem thêm: Những món đồ nhà bếp không nên sử dụng quá lâu để bảo vệ sức khỏe
Tham khảo: doisong.vn