Ăn bánh quy cả chục năm nay nhưng bạn có biết vì sao trên bánh quy có nhiều lỗ nhỏ

5/5 - (3129 bình chọn)

Một buổi tiệc trà chiều thì không thể nào thiếu được đĩa bánh quy. Vị đắng của trà sẽ được dịu bớt bằng vị ngọt thanh của bánh quy, giúp giải tỏa hết các áp lực căng thẳng sau một ngày mệt mỏi.

Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc bánh quy có nguồn gốc từ đâu hay ra đời vào khoảng thời gian nào? Vậy để Mẹo vặt Gia đình cùng bạn tìm hiểu về sự ra đời của những chiếc bánh quy nhé.

Nguồn gốc của bánh quy

Bánh quy (tên tiếng Anh là biscuit) có được tạo ra đầu tiên ở Ba Tư vào thế kỷ VII trước công nguyên. Nhưng phải đến thế kỷ VIII sau công nguyên, khi người lính Tây Ban Nha trở về sau trận chiến Ma Rốc, họ đã đem theo công thức bánh quy về Châu Âu.

Lúc đó, người Anh chủ yếu sử dụng loại bánh này như là thực phẩm thay tinh bột cho các thuỷ thủ đi biển, vì chúng có thành phần chính là bột mì và muối. Và món bánh này rất cứng nên nếu muốn ăn phải ngâm trước vào trà hoặc sữa.

Bột mì và muối là thành phần chính trong bánh quy

Còn những chiếc bánh quy mềm xốp, giòn tan như ngày nay là dựa theo công thức của người Pháp. Cái tên biscuit cũng là dựa trên việc đọc trại lại từ “nướng hai lần” trong tiếng La Tinh (bis cotum). Từ biscotti ở Ý cũng là một phiên bản biến thể của chữ biscuit.

Hộp bánh quy

Ngày nay, mỗi công ty thực phẩm, mỗi một người thợ làm bánh đều sẽ có công thức làm bánh quy riêng của mình. Nhưng nhìn chung dù có biến tấu thế nào, thì bánh quy vẫn phải giữ được hai đặc điểm sau: Một thành phần chính phải là bột mì và muối. Hai là trên bề mặt bánh phải có các lỗ nhỏ phân bố đều.

Ý nghĩa của các lỗ nhỏ trên bánh quy

Chắc hẳn bạn có rất nhiều giả thuyết cho những cái lỗ bé xíu này, nào là chiêu trò để giảm bớt khối lượng bột của nhà sản xuất, hoặc chúng chỉ đơn giản là để trang trí. Nhưng thực ra nó có vai trò quyết định cho một chiếc bánh quy có đạt chuẩn hay không.

Một chiếc bánh quy đạt chuẩn thì bánh phải mỏng dẹt, giòn tan không bị phồng. Vì vậy, phải có các lỗ nhỏ trên bề mặt bánh để thoát hơi nước. Việc thoát hơi nước giúp bánh không nở quá cao, giữ được đúng hình dạng ban đầu và giòn tan, không bị khô cứng.

Các lỗ nhỏ trên bánh quy giúp bánh thoát hơi nước

Trong công nghiệp, những lỗ nhỏ đó thường được tạo ra bằng một cái kim đồng đường kính 2mm đâm xuống bột. Còn ở các tiệm bánh nhỏ họ thường dùng xiên nhỏ hoặc nĩa để tạo lỗ, như vậy khi bánh nở ra thì thu nhỏ độ rộng lỗ vừa đủ để thoát khí.

Người thợ thường dùng xiên nhỏ hoặc nĩa để tạo lỗ

Việc sắp đặt các lỗ trên bề mặt bánh cũng được tính toán kỹ lưỡng, phụ thuộc vào mật độ bột và khoảng cách giữa các bánh, để đảm bảo bánh nướng một cách hoàn hảo.

Nếu bạn đâm quá nhiều lỗ trên bề mặt thì bánh sẽ bị khô do thoát hơi nước quá nhiều. Còn nếu có quá ít lỗ thì bánh sẽ nổi phồng lên do các bọt khí không thể thoát ra ngoài, nên giãn nở trong bột.

Kết lại, làm bánh quy là cả một nghệ thuật từ khâu chọn nguyên liệu đến các bước làm bánh đều rất quan trọng. Đặc biệt nhất là khâu tạo lỗ trên bề mặt bánh quy để bánh nướng ra thật hoàn hảo, chứ không đơn giản là để trang trí như trước giờ chúng ta vẫn nghĩ.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (3129 bình chọn)

Bài viết liên quan